Friday, September 20, 2024
Liên hệ quảng cáo 0975966810spot_img
HomeTin TứcGojek rút lui khỏi thị trường Việt Nam: Thế "kiềng ba chân"...

Gojek rút lui khỏi thị trường Việt Nam: Thế “kiềng ba chân” và cuộc đua “đốt tiền”

Dù hãng xe Indonesia thông báo việc rút lui khỏi thị trường Việt Nam nhằm tập trung nguồn lực cho công ty mẹ – Tập đoàn GoTo, tuy nhiên thực tế, Gojek đã kinh doanh giảm sút trong 2-3 năm qua, trong bối cảnh sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường gọi xe.

Gojek rút lui khỏi thị trường Việt Nam: Từ đối trọng của Grab đến kinh doanh bết bát - Ảnh 1.

Gojek trước khi thông báo rút lui khỏi Việt Nam từ 16/9 tới, có kết quả kinh doanh kém sắc, thị phần giảm sâu.

Gojek từng là đối thủ đáng gờm của Grab khi ra mắt thị trường Việt Nam hồi tháng 8/2018 với một loạt chương trình đồng giá chuyến đi từ 1.000 đồng, 5.000 đồng, rồi 10.000 đồng. Thương hiệu GoViet cùng sắc đỏ rực ngày ấy đã trở thành đối trọng với màu xanh lá của kỳ lân gọi xe có trụ sở tại Singapore.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2019, cả Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Đức và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Bảo Linh của GoViet bất ngờ từ chức. Người đảm nhiệm vị trí CEO thay ông Đức là bà Lê Diệp Kiều Trang – cựu CEO Facebook Việt Nam. Sau 5 tháng lãnh đạo GoViet, nữ doanh nhân này cũng rời “ghế nóng”.

Tháng 8/2020, sau khi thương hiệu GoViet bị “khai tử” và công ty chính thức đổi thành Gojek, ông Phùng Tuấn Đức, trước đây là Giám đốc Vận hành của GoViet lên nắm quyền lãnh đạo cao nhất của công ty. Đây cũng là thời điểm mà Gojek đang có nhiều dấu hiệu “hụt hơi” so với các đối thủ. 

Theo báo cáo của ABI Research, số cuốc xe của GoViet chiếm tỷ trọng 10,3%, xếp sau Be (15,6%) và Grab (72,8%). Ở mảng giao đồ ăn, GoFood cũng đứng sau GrabFood và Now cả về mức độ hài lòng và mức độ sử dụng thường xuyên.

Từ năm 2021 và 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình hoạt động của Gojek Việt Nam gặp nhiều khó khăn và từng bước thu nhỏ thị phần.

Đây cũng là thời điểm công ty mẹ của Gojek – GoTo bắt đầu chật vật trên con đường tìm kiếm lợi nhuận. Năm 2022, GoTo ghi nhận khoản lỗ ròng tăng 56% so với năm 2021, lên mức 2,7 tỷ USD, cao hơn gấp 3 lần so với doanh thu của công ty.

Tháng 1/2023, sau hơn 4 năm gắn bó ở vị trí COO và CEO, ông Phùng Tuấn Đức quyết định rời Gojek Việt Nam với lý do để theo đuổi sự nghiệp riêng. Ông Sumit Rathor trở thành CEO thứ 4 của Gojek tại thị trường Việt Nam sau khoảng 4 năm rưỡi gia nhập. Ông Sumit Rathor lãnh đạo Gojek Việt Nam từ đó cho đến nay.

Như vậy trước khi chính thức dừng hoạt động tại Việt Nam giữa tháng này, Gojek đã đổi Tổng Giám đốc 4 lần. 

Theo báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” được công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, 42% người Việt lựa chọn Grab khi muốn sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy.

Đứng vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt là Be và Xanh SM với tỷ lệ lần lượt là 32% và 19%. Chỉ 7% người dùng cho biết thường xuyên dùng Gojek dù nền tảng này từng khá phổ biến cách đây 2-3 năm về trước.

Trước đó, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works cho thấy trong năm 2023, Gojek chỉ chiếm vỏn vẹn 3% GMV (tổng giá trị hàng hóa) trên thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam, sức cạnh tranh quá yếu ớt.

Gojek rút lui, thị trường xe công nghệ ở Việt Nam còn ba nhà cung cấp dịch vụ lớn là Grab, Be và Xanh SM, trong đó Grab chiếm thị phần lớn nhất.

Gojek rút lui khỏi thị trường Việt Nam: Từ đối trọng của Grab đến kinh doanh bết bát - Ảnh 2.

Mức độ phổ biến các thương hiệu gọi xe tại Việt Nam. Ảnh: Khảo sát của Q&M

Trả lời PV Dân Việt, chuyên gia công nghệ Dương Ngô Anh – người cũng từng khởi nghiệp trong lĩnh vực gọi xe với công ty Tego cho biết: “Các ứng dụng gọi xe và giao đồ khi gia nhập thị trường Việt Nam luôn có những chính sách hấp dẫn về giá thành di chuyển, thậm chí cam kết không tăng giá trong khung giờ cao điểm hay thời tiết xấu. 

Bức tranh toàn ngành cho thấy thị trường gọi xe Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng cũng không dành cho những bên tài chính mỏng. Và những tân binh muốn tiến sâu vào thị trường sẽ cần sự chuẩn bị rất kỹ càng về chiến lược, chất lượng, và đặc biệt là tài chính”.

Thực tế, ba nhà cung cấp dịch vụ lớn là Grab, Be và Xanh SM đều chịu áp lực lớn. 

Theo dữ liệu của Vietdata, năm 2023, Be Group đạt được mức doanh thu thuần gần 1.600 tỷ đồng tuy nhiên lỗ sau thuế gần 1.000 tỷ đồng. Mức lỗ này nhỉnh hơn một chút so với năm 2022 (-957 tỷ). Tính đến cuối năm 2023, ước tính Be group lỗ lũy kế gần 4.500 tỷ đồng.

Xanh SM có tuổi đời hơn 1 năm, với mô hình taxi truyền thống, phải chịu chi phí khấu hao xe và mở rộng rất nhanh trong hơn năm qua – thì chắc chắn chưa thể có lãi.

Trong khi đó, Grab năm 2023 đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng, giảm đến 40% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế của Grab tăng trưởng mạnh lên đến hơn 210% và đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments